Viêm da cơ địa khiến trẻ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và có thể dẫn đến chán ăn, bỏ ăn khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Đây là một loại bệnh mãn tính bẩm sinh có liên quan chặt chẽ đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ. Do đó, trẻ bị viêm da cơ địa kiêng ăn gì và nên ăn gì là vấn đề hàng đầu được bố mẹ quan tâm khi trẻ nhà mình rơi vào trường hợp này.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Bạn đang xem: Trẻ bị viêm da cơ địa kiêng ăn gì và nên ăn gì tốt cho nhanh lành?
Tổng quan về bệnh viêm da cơ địa ở trẻ
Viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm thường khởi phát ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, chiếm khoảng 30%. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở trẻ trên 5 tuổi với tỷ lệ khoảng 10%.
Bệnh có xu hướng tái phát thường xuyên, có liên quan đến 2 yếu tố chính: di truyền và dị ứng. Khi phát bệnh, trẻ thường sẽ có các biểu hiện như da khô, mất nước, phát ban đỏ khiến trẻ cảm thấy ngứa ngày, khó chịu và có thể mất ngủ vào ban đêm. Trẻ bị viêm da cơ địa cần được kiểm tra và tìm hiểu nguyên nhân chính xác gây viêm da để có phương pháp điều trị và thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ phát bệnh. (1)
Hiện nay, bệnh viêm da cơ địa vẫn chưa có cách chữa trị hoàn toàn, các phương pháp điều trị hiện có đều hướng đến làm giảm nhẹ và cải hiện các triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng. Đa số bệnh sẽ thuyên giảm hoàn toàn sau khi trẻ đã trưởng thành.

Trẻ bị viêm da cơ địa kiêng ăn gì?
Các sản phẩm từ trứng, sữa bò sẽ khiến tình trạng viêm da của trẻ trở nên tồi tệ hơn
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng trẻ sẽ có ít nguy cơ phát bệnh viêm da cơ địa khi thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp, loại bỏ những loại thức ăn khiến trẻ phát bệnh hoặc làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Dưới đây là một số thực phẩm trẻ bị viêm da cơ địa nên kiêng cữ.
1. Kiêng những món hải sản
Hải sản được xem là một trong những loại thực phẩm cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ em. Tuy nhiên, trong hải sản có chứa histamin với hàm lượng cao. Đây là một chất có tác dụng kích thích các mao mạch dưới da khiến da trẻ hình thành các nốt mụn ngứa.
Do đó, trẻ bị viêm da cơ địa cần tránh xa các món hải sản như cá biển, tôm, cua, mực,… Việc tiêu thụ chúng sẽ khiến bệnh dễ tái phát hơn. Đặc biệt, nếu trẻ ăn hải sản trong khoảng thời gian phát bệnh, bệnh sẽ trở nên nghiệm trọng hơn, trẻ ngứa ngáy nhiều hơn.
2. Kiêng các loại thịt đỏ
Thịt đỏ là một loại thực phẩm chứa nhiều protein. Đối với cơ thể, protein có vai trò cấu tạo, duy trì và phát triển các mô, cơ của cơ thể, đồng thời, cung cấp năng lượng cho các hoạt động hằng ngày. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều protein sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Việc cho trẻ ăn nhiều thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, thịt gia cầm,… sẽ khiến trẻ bị đầy hơi, khó tiêu, gây kích thích hệ miễn dịch. Điều này có thể dẫn đến các phản ứng viêm ngoài da nghiêm trọng, điển hình như tình trạng dị ứng nổi mề đay ở trẻ.
3. Kiêng các loại sản phẩm từ sữa
Xem thêm : 16 tác hại của thuốc kháng sinh mà mọi người nên biết
Một nghiên cứu đã cho thấy, trong các sản phẩm được làm từ sữa như kem, phô mai, bánh sữa,… chứa hơn 20 chất có thể là nguyên nhân gây dị ứng ở trẻ nhỏ. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây dị ứng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Loại protein chứa sẵn trong sữa bò có thể khiến hệ tiêu hoá của một số trẻ gặp khó khăn. Khi những đứa trẻ này tiêu thụ các sản phẩm từ sữa bò, hệ tiêu hoá sẽ cho rằng loại protein này là các chất gây dị ứng. Từ đó, cơ thể sẽ tạo phản ứng chống lại các chất này dẫn đến tình trạng phát ban, về lâu hình thành chứng viêm da cơ địa ở trẻ. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, mẹ nên cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn và nên cân nhắc kỹ lưỡng khi có quyết định cho trẻ dùng sữa công thức. Đối với các trẻ lớn hơn, nếu trẻ vẫn dị ứng với các sản phẩm từ sữa, mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ da liễu để được kiểm tra và tư vấn các loại sữa phù hợp, an toàn cho trẻ.

4. Kiêng đậu nành và các sản phẩm khác từ đậu nành
Tương tự như các chế phẩm được làm từ sữa bò, loại protein đậu nành và các sản phẩm được chế biến từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành,… cũng gây khó khăn cho hệ tiêu hóa. Do đó, trẻ bị viêm da cơ địa nên tránh sử dụng các loại thực phẩm này. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh, nhất là các trẻ còn đang bú mẹ cũng nên hạn chế việc tiêu thụ chúng.
5. Kiêng thực phẩm chứa chất phụ gia
Các loại thực phẩm chứa chất phụ gia, chất bảo quản, màu nhân tạo, hương liệu, được xử lý bằng nhiều hoá chất độc hại, không rõ nguồn gốc,… đều có thể khiến trẻ bị dị ứng. Không chỉ vậy, việc tiêu thụ các sản phẩm này gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ, lâu dần có thể dẫn đến ung thư. Chính vì vậy, mẹ cần loại bỏ các loại thức ăn chứa chất phụ gia, bảo quản hay các hoá chất độc hại khác ra khỏi chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ, nhất là các trẻ còn đang bú mẹ.
6. Kiêng thực phẩm dầu mỡ, nhiều gia vị
Trẻ bị viêm da cơ địa nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm dầu mỡ bởi dầu mỡ là những chất khó chuyển hóa trong cơ thể, từ đó, làm suy yếu hệ vi sinh vật trong đường ruột, gây tình trạng đầy hơi, tiêu chảy và đau dạ dày ở trẻ. Hơn nữa, việc tiêu thụ các loại thực phẩm này gây ảnh hưởng đến các chức năng của gan, thận, não, khiến trẻ bị béo phì.
Bên cạnh đó, các thực phẩm chứa nhiều gia vị như đường, muối,… là một trong những nguyên nhân gây bít, tắc lỗ chân lông, khiến trẻ cảm thấy ngứa ngáy, viêm ngoài da. Do đó, bố mẹ nên hạn chế cho ăn các loại thức ăn này vì chúng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, tái phát bệnh và khiến tình trạng viêm da cơ địa trở nên nặng hơn.
7. Kiêng đồ ăn nhanh, đồ hộp
Thông thường, khi chế biến các loại thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, người ta sẽ bỏ vào đó các chất phụ gia và bảo quản nhằm làm tăng hương vị cho món ăn, kích thích vị giác người ăn và giúp các loại thức ăn này có thể giữ được lâu hơn. Tuy nhiên, các loại phụ gia và chất bảo quản này là mối nguy hại cho sức khỏe và làn da của trẻ. Một số loại chất chứa trong một số loại nước ngọt đóng chai có thể khiến trẻ bị hen suyễn cấp tính.
Đa số các chất độc hại này không được cơ thể đào thải ra bên ngoài mà chúng tích tụ trong gan, làm suy giảm chức năng gan dẫn đến tình trạng mẩn ngứa, viêm loét ngoài da. Ngoài ra, trẻ tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh còn làm tăng nguy cơ béo phì, dậy thì sớm và giảm khả năng hấp thụ canxi khiến trẻ chậm phát triển xương.
8. Kiêng trứng và đậu phộng
Trứng và đậu phộng là hai loại thực phẩm mẹ nên loại bỏ ra khỏi thực đơn hằng ngày của trẻ bị viêm da cơ địa vì đây là những thực phẩm có thể gây dị ứng, tình trạng viêm da cơ địa trở nên trầm trọng hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có hơn 70% các trường hợp trẻ bị viêm da cơ địa khi ăn trứng hoặc các sản phẩm được chế biến từ trứng.
Ngoài ra, loại protein chứa sẵn trong hai loại thực phẩm này có thể được trẻ hấp thụ qua sữa mẹ. Do đó, trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, mẹ cũng nên tránh ăn chúng để ngăn chặn viêm da cơ địa ở trẻ.
9. Không nên cho trẻ ăn nho
Nho chứa nhiều Salicylat, amin khiến nguy cơ bùng phát bệnh viêm da cơ địa ở trẻ tăng lên gấp 3 lần. Do đó, mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn nho và các sản phẩm được chế biến từ nho như nước ép nho, nho khô,…
10. Kiêng các món trái cây sấy
Trái cây sấy khô là một loại thực phẩm chứa nhiều hóa chất như chất tạo ngọt, chất bảo quản, sulphite, amin, salicylat,… Các chất này có thể làm tăng nguy cơ viêm da cơ địa ở trẻ lên gấp 4 lần, khiến trẻ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Vì thế, trẻ bị viêm da cơ địa nên kiêng các món ăn này.
11. Kiêng các thực phẩm lên men
Các loại thực phẩm lên men như cái chua, kim chi, cà muối, măng muối,… chứa nhiều muối ăn là một trong những nguyên nhân khiến các chức năng của gan, thận bị suy giảm. Điều này khiến độc tố không được đào thải ra khỏi cơ thể mà tích tụ bên trong gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, tình trạng viêm da cơ địa trở nên tồi tệ hơn. Hơn nữa, trong thực phẩm lên men có chứa một hàm lượng lớn acid khiến quá trình hồi phục các tổn thương trên da bị cản trở, kéo dài.
Vậy trẻ viêm da cơ địa nên ăn gì tốt cho da?
Xem thêm : Điểm danh 12 lợi ích của nước cam với bà bầu và thai nhi
Trẻ chán ăn, sụt cân, chậm phát triển do viêm da cơ địa khiến bố mẹ đau đầu vì không biết cho trẻ ăn gì. Bên cạnh những thực phẩm nên tránh và hạn chế sử dụng, mẹ nên bổ sung các thực phẩm có lợi cho làn da của trẻ vào thực đơn hằng ngày. Điều này không chỉ giúp trẻ có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh mà còn giúp làm giảm nhẹ các tổn thương, triệu chứng do viêm da cơ địa gây ra, hạn chế các nguy cơ tái phát bệnh ở trẻ. (2)
1. Các loại rau và trái cây chứa nhiều vitamin và chất xơ
Rau xanh và trái cây tươi (cam, dâu tây, dứa, xoài,…) là nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin, chất xơ và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, giúp làm lành các tổn thương, điều trị và ngăn ngừa viêm da cơ địa và một số vấn đề sức khỏe khác. Điển hình như:
- Vitamin A chứa trong cà chua, đu đủ, cà rốt,… giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch;
- Vitamin B chứa trong các loại rau xanh có vai trò thúc đẩy tái tạo mô biểu bì, giúp các tổn thương nhanh lành lại;
- Vitamin C chứa trong chanh, cam,… có vai trò là chất oxy hóa, bảo vệ cơ thể khỏi các phản ứng do dị ứng;
- Vitamin E chứa trong bơ, kiwi, rau bina, cải bắp,… giúp da trẻ mềm mịn và chắc khỏe, bảo vệ da trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh.

2. Thực phẩm giàu Omega 3
Omega 3 làm một chất kháng viêm, giúp cho các tổn thương trên da nhanh hồi phục, đồng thời, hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại các vi khuẩn có hại. Do đó, mẹ nên bổ sung các thực phẩm giàu Omega 3 vào thực đơn của trẻ.
Omega 3 chứa nhiều trong các loại các béo như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích,… Ngoài ra, nó còn chứa trong các loại hạt và ngũ cốc như quả óc chó, yến mạch,…
3. Nấm và protein từ thịt lợn
Nghiên cứu cho thấy, loại protein chứa trong thịt lợn và nấm giúp các liên kết mô dưới da trở nên bền vững hơn. Hơn nữa, chúng bảo vệ cơ thể trước những tác nhân gây tổn thương, làm giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn chặn viêm da dị ứng bội nhiễm ở trẻ.
4. Các loại rau và trái cây chứa nhiều flavonoid chống viêm
Flavonoid là một chất chống viêm được tìm thấy nhiều trong các loại rau, trái cây như táo, bông cải xanh, việt quất,… Việc ăn nhiều thức ăn chứa Flavonoid sẽ giúp cơ thể cải thiện sức khỏe làn da và ngăn ngừa tình trạng viêm da dị ứng.
5. Thực phẩm giàu kali
Tương tự như Flavonoid, Kali cũng là một chất chống viêm có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng của viêm da cơ địa. Nó được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm hằng ngày như chuối, bơ, bí ngô, cá hồi,…
6. Thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn
Bên cạnh các bữa ăn hằng ngày của trẻ, mẹ nên bổ sung thêm các loại thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn như sữa chua hay các đồ uống lên men khác. Trong các loại thực phẩm này có chứa một lượng lớn lợi khuẩn, men vi sinh probiotic giúp hỗ trợ hệ đường ruột và cải thiện hệ miễn dịch cho trẻ. Hơn nữa, trẻ thường xuyên ăn các thức ăn chứa nhiều lợi khuẩn còn giúp trẻ làm giảm nhẹ và ngăn ngừa trẻ phát bệnh.
7. Thực phẩm có giá trị bảo vệ và tái tạo da cao
Các thực phẩm có giá trị bảo vệ và tái tạo da như hành lá, kiều mạch, yến mạch, nghệ,… sẽ giúp làn da của trẻ được nuôi dưỡng chắc khỏe, bảo vệ da trẻ trước những tác nhân gây bệnh. Do đó, mẹ nên bổ sung các thực phẩm này vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ, nhất là các trẻ bị viêm da cơ địa.
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ nhanh khỏi
Ngoài những loại thực phẩm nên và không nên cho trẻ bị viêm da cơ địa ăn kể trên, mẹ nên chú ý bổ sung đủ nước cho trẻ. Nước giúp gan thận đào thải độc tố dễ dàng hơn, hỗ trợ hệ tiêu hóa, giúp da căng mịn, có độ đàn hồi cao. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước có thể khiến da của trẻ bị khô, bong tróc dẫn đến viêm da. Do đó, mẹ nên chú ý cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày.
Bên cạnh đó, mẹ nên chú ý đến chế độ sinh hoạt hằng ngày của trẻ, các yếu tố xung quanh có thể làm tăng nguy cơ tái phát và khiến tình trạng viêm da trở nên dai dẳng, khó điều trị. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị viêm da cơ địa:
- Thường xuyên cấp ẩm cho da trẻ bằng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được chiết xuất từ thiên nhiên. Mẹ nên thoa kem dưỡng ẩm sau khi trẻ tắm và vào những ngày thời tiết hanh khô;
- Tập cho trẻ thói quen không gãi hay chà mạnh lên vùng da bị mẩn ngứa, tổn thương. Đối với trẻ sơ sinh, mẹ có thể đeo găng tay sơ sinh cho trẻ để tránh trẻ tác động mạng lên da, gây tổn thương da;
- Lựa chọn quần áo được làm từ các chất liệu mềm mại, thoáng mát, có khả năng thấm hút tốt;
- Dọn dẹp, vệ sinh khu vực sống và vui chơi của trẻ sạch sẽ, tránh cho trẻ tiếp xúc với lông động vật, phấn hoa,…;
- Che chắn cho trẻ cẩn thận trước khi ra ngoài, bôi kem chống nắng cho trẻ khi trẻ phải tiếp xúc với ánh nắng;
- Cân bằng thời gian chơi và nghỉ ngơi cho trẻ, đảm bảo trẻ được ngủ đủ giấc,…
Qua những chia sẻ về vấn đề “Trẻ bị viêm da cơ địa kiêng ăn gì và nên ăn gì để nhanh lành bệnh?”, hy vọng các bậc phụ huynh đã có một chế độ dinh dưỡng phù hợp, an toàn và lành mạnh cho các trẻ. Bên cạnh đó, bố mẹ nên kết hợp với một số thuốc điều trị viêm da cơ địa do bác sĩ chỉ định để bệnh nhanh khỏi, ngăn ngừa các nguy cơ tái phát.
Giản Đơn
Nguồn: https://piaggiotopcom.vn
Danh mục: Câu Hỏi